Tin mới  
 
England
-> Tin tức - Sự kiện -> Thành quả điều tra tài nguyên rừng

Nội dung nghiên cứu

CÁC HỢP PHẦN

 

1. Điều tra, đánh giá và theo dõi diễn biến diện tích rừng, đất rừng

 

1.1.            Mục tiêu

Xây dựng bản đồ hiện trạng rừng tỷ lệ 1/25.000 cho 1.000 xã có diện tích rừng biến động lớn, 1/50.000 cho huyện, 1/100.000 cho tỉnh, 1/250.000 vùng và 1/1.000.000 phạm vi toàn quốc

Xây dựng một hệ thống các phương pháp để theo dõi diễn biến diện tích rừng về mặt số lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới. Hình thành cơ sở dữ liệu cho công tác theo dõi lâu dài biến động diện tích rừng và đất rừng trên phạm vi toàn quốc, vùng, tỉnh và cơ sở. Đảm bảo độ tin cây cao và sai số về diện tích rừng cho từng tỉnh không quá 10%. Từ những thông tin bản đồ xây dựng số liệu về diện tích rừng lầm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược phát triển lâm nghiệp cho vùng và toàn quốc, xây dựng các phương án quy hoạch phát triển lâm nghiệp, làm cơ sở dữ liệu chính thống phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và thống kê rừng ở các cấp

 

1.2.            Nội dung

 

1.2.1. Điều tra xây dựng bản đồ hiện trạng rừng trên cơ sở giải đoán ảnh vệ tinh SPOT 5 với độ phân giải 2,5x2,5m bao gồm các công việc sau:

+ Nắn chỉnh hệ thống ảnh vệ tinh Spot 5 do Bộ Tài Nguyên Môi Trường cung cấp.

+ Giải đoán ảnh vệ tinh, kiểm tra ngoại nghiệp, xây dựng bản đồ hiện trạng rừng tỷ lệ 1/25.000 cho 1.000 xã, tỷ lệ 1/50.000 huyện, trên cơ sở đó tập hợp xây dựng bản đồ hiện trạng rừng cho từng tỉnh (1/100.000), vùng (1/250.000) và toàn quốc 1/1.000.000

+ Xây dựng phần mềm cập nhật thông tin và xử lý số liệu thông tin, kết nối thông tin bản đồ và số liệu.

+ Tư vấn cho Bộ công bố số liệu diện tích rừng, giám sát việc thực hiện công tác cập nhật thông tin và công bố số liệu diện tích rừng và trữ lượng, chất lượng rừng 5 năm một lần vào cuối chu kỳ.

 

1.2.2. Đánh giá diễn biến diện tích rừng bao gồm:

+ Diễn biến diện tích rừng tự nhiên

Đánh giá diễn biến diện tích các trạng thái rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc, trên toàn vùng và từng tỉnh

+ Diễn biến diện tích rừng trồng

      Đánh giá biến động diện tích rừng trồng tại các địa phương

 

1.2.3. Xác định sự chuyển đổi diện tích các trạng thái rừng

+ Xác định sự chuyển đổi diện tích các trạng thái rừng trên cơ sở hệ thống phân chia các kiểu rừng theo Quy phạm QPN-6-84 trên phạm vi toàn quốc, vùng và từng tỉnh.

 

1.2.4. Giao nộp thành quả

Hệ thống bản đồ, số liệu của Chương trình được giao nộp dưới dạng giấy làm cơ sở dữ liệu ban đầu cho các cơ quan quản lý nhà nước cho 1.000 xã, trên cơ sở đó Bộ NN và PTNT chuyển giao cho các địa phương làm cơ sở dữ liệu ban đầu phục vụ công tác theo dõi thống kê diện tích rừng hàng năm từ cấp xã và bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng tỷ lệ 1/50.000, tỷ lệ 1/100.000 cho các huyện, tỉnh, bản đồ tỷ lệ 1/250.000 cho vùng và tỷ lệ 1/1.000.000 cho toàn quốc.

 

1.3.            Phương pháp

 

- Thu thập thông tin thực địa xây dựng mẫu khoá ảnh cho từng trạng thái rừng và cho từng vùng với dung lượng mẫu đảm bảo đáp ứng với sai số cho phép.

 

- Sử dụng ảnh vệ tinh phân giải cao Spot 5, trên cơ sở của mẫu khoá ảnh, giải đoán bằng số trên máy tính các nhân (PC) với phần mềm giải đoán chuyên dụng để xây dựng bản đồ hiện trạng rừng. Do sự biến động diện tích rừng của các vùng khác nhau, do vậy Chương trình tập trung làm kỹ những vùng được cho là có sự biến động diện tích rừng lớn như vùng Tây nguyên, Đông Bắc, Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ.

- Giải đoán ảnh vệ tinh được thực hiện theo các bước sau:

+ Nắn chỉnh ảnh số

+ Thu thập thông tin hiện có từ các địa phương và các dự án nếu có, xây dựng mẫu khóa ảnh vệ tinh

+ Sử dụng phần mềm chuyên dụng giải đoán ảnh số trên máy PC

+ In bản đồ trong phòng

+ Kiểm tra ngoại nghiệp, chỉnh sửa, bổ sung thông tin

+ Cập nhật thông tin sau chỉnh sửa vào máy

+ Biên tập bản đồ thành quả

+ Chuyển giao thành quả cho các đơn vị sử dụng thống kê theo dõi diễn biến diện tích rừng hàng năm.

+ Cập nhật thông tin về trung tâm xử lý số liệu

 (các bước tiến hành xây dựng bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng xem sơ đồ 1 phần phụ lục)

- Đánh giá diễn biến diện tích rừng trên phạm vi toàn quốc: 

+ Đánh giá biến động tài nguyên rừng  qua 5 năm trên cơ sở hệ thống bản đồ hiện trạng rừng trên phạm vi toàn quốc có sự hỗ trợ của ảnh  vệ tinh sẽ là cơ sở cho việc theo dõi diễn biến diện tích rừng ở tầm vĩ mô thông qua công nghệ chồng xếp bản đồ hiện trạng rừng các giai đoạn khác nhau.

- Đánh giá diễn biến rừng phạm vi tỉnh  thông qua việc chồng xếp bản đồ tài nguyên rừng tỷ lệ 1/100.000 các giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010.

- Đánh giá diễn biến rừng trên phạm vi toàn vùng thông qua việc chồng xếp bản đồ hiện trạng rừng tỷ lệ 1/250.000 các giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010.

- Đánh giá biến động diện tích rừng trên phạm vi toàn quốc được thực hiện thông qua tập hợp các thông tin đánh giá diễn biến diện tích rừng của từng tỉnh từ giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010.

-  Đánh giá phân tích những biến động tài nguyên rừng, xác định nguyên nhân

- Sử dụng phương pháp chuyên gia để xây dựng, đề xuất định hướng quản lý, sử dụng tài nguyên rừng.

- Tìm hiểu sự chuyển đổi diện tích các trạng thái rừng, trên cơ sở đó rút ra quy luật, xu hướng chuyển đổi của các trạng thái rừng trên phạm vi toàn quốc, từng vùng, từng tỉnh,

+ Sự chuyển đổi diện tích rừng tự  nhiên

Xác định sự chuyển đổi diện tích các trạng thái rừng trên toàn vùng và từng tỉnh thông qua chồng xếp bản đồ hiện trạng rừng tỷ lệ 1/250.000 và bản đồ tỷ lệ 1/100.000 qua các thời kỳ.

Trên cơ sở của những đánh giá diễn biến diện tích các trạng thái rừng của từng tỉnh và vùng tập hợp thông tin đánh giá diễn biến diện tích rừng trên phạm vi toàn quốc.

 

1.4.            Thành quả

 

- Hệ thống bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng dưới dạng giấy tỷ lệ 1/25.000 cho 1.000 xã; 1/50.000 cho các huyện; dưới dạng số và giấy. Bản đồ hiện trạng rừng tỷ lệ 1/100.000; 1/250.000 và 1/1.000.000 cho các cấp tỉnh, vùng và toàn quốc tại thời điểm 2010.

- Hệ thống số liệu được cập nhật công bố năm năm/lần được kiểm tra, giám sát, đánh giá vào cuối chu kỳ.

-  Báo cáo biến động diện tích rừng từ 2006 đến 2010, xác định nguyên nhân và đề xuất định hướng cho công tác quản lý rừng.

 

2. Điều tra, đánh giá và theo dõi diễn biến  các chỉ tiêu về chất lượng rừng

 

2.1. Mục đích

 

- Theo dõi, đánh giá biến động những chỉ tiêu đặc trưng của rừng trên cơ sở phân tích những số liệu thu thập được từ ô sơ cấp và ô định vị nghiên cứu sinh thái như : Trữ lượng bình quân, đường kinh bình quân, tổ thành loài...

- Tiếp tục củng cố hệ thống ô định vị nghiên cứu bao gồm:  Ô sơ cấp và ô định vị nghiên cứu sinh thái hiện có, với số lượng 2.100 ô sơ cấp và 100 ô định vị nghiên cứu sinh thái.

- Đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả diện tích rừng hiện có và định hướng những tác động có quản lý của con người vào rừng.

 

2.2.            Nội dung

 

2.2.1.      Điều tra, thu thập số liệu từ các ô sơ cấp và ô định vị nghiên cứu sinh thái.

 

a) Nội dung công việc xác định và điều tra thu thập số liệu trong ô sơ cấp bao gồm:

 

1.      Xác định lại tâm ô sơ cấp ngoài thực địa

Vị trí OSC ngoài thực địa được xác định trực tiếp bằng máy định vị GPS. Những ô điều tra lần sau phải tìm đúng vị trí đã xác định trong lần điều tra trước, xác định chính xác tọa độ tâm ô định vị điều tra hai cấp bằng máy định vị GPS.

Phát quang, đo và đóng mốc tâm ô cũng như các mốc chuẩn trên đường biên và các tuyến điều tra để thiết lập các ô đo đếm.

 

             2. Mô tả tổng quát về hoàn cảnh tự nhiên, điều kiện tiếp cận và các nhân tố ảnh hưởng tới thảm thực vật rừng trong ô định vị điều tra hai cấp (theo mẫu biểu)

 

3. Bổ sung các thông tin về điều kiện địa hình, địa vật, khoanh vẽ, đo tính diện tích hiện trạng tài nguyên rừng và các loại đất đai.

 

4. Dùng máy ảnh số chụp một số kiểu ảnh tại một số vị trí có thể bao chứa OSC để làm mẫu và phục vụ kiểm tra trong quá trình điều tra.

a.       Đo đếm, thu thập các đặc trưng của thảm thực vật và rừng xuất hiện trong ô thứ cấp: Gỗ, tre, nứa, cây tái sinh, cây đặc sản... (theo mẫu biểu).

b.      Điều tra thu thập các thông tin về tài nguyên động vật rừng (theo mẫu biểu).

 (Chi tiết xem biện pháp kỹ thuật điều tra ô sở cấp)

 

b) Hệ thống ô định vị nghiên cứu sinh thái rừng

+  Điều tra trực tiếp trên cơ sở những quy định về ô định vị nghiên cứu sinh thái, các nội dung cần điều tra như:

1. Đặc điểm của các nhân tố ngoại cảnh của rừng bao gồm khí hậu, thủy văn, địa hình, địa mạo, địa chất, thổ nhưỡng, điều kiện dân sinh kinh tế xã hội và các hoạt động sản xuất kinh doanh.

2. Điều tra đặc điểm cấu trúc rừng (mật độ, tầng thứ, tổ thành loài cây, trữ lượng, tuổi...)

3. Điều tra tình hình sinh trưởng, tăng trưởng lâm phần của một số loài cây.

4. Điều tra tái sinh phục hồi rừng, điều tra tác động ảnh hưởng qua lại giữa rừng và các nhân tố ngoại cảnh, diễn thế rừng...

   + Lấy mẫu tiêu bản, xử lý mẫu tiêu bản phục vụ công tác lưu trữ tại Bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam.

(Chi tiết xem biện pháp kỹ thuật điều tra ô ĐVNCST Rừng)

 

2.2.2. Nội dung xử lý ô định vị và ô sơ cấp

- Rà soát lại những sai lầm trong thu thập thông tin, xây dựng phần mềm xử lý, nội dung xử lý cụ thể như: Xác đinh chỉ tiêu bình quân của các số liệu thu thập được, phân tích các tương quan như tương quan đường kính- chiều cao, tương quan đường kính, chiều cao với số cây...

 

2.3. Phương pháp

 

2.3.1. Hoàn thiện hệ thống ô sơ cấp và ô định vị nghiên cứu sinh thái

- Để thực hiện được nội dung các báo cáo chuyên môn, chương trình đã xây dựng hệ thống đồng bộ các ô sơ cấp ngay từ chu kỳ đầu của chương trình với phương pháp rút mẫu hai cấp được thiết kế dải đều trên đất có rừng trước đây. Hệ thống ô được thiết kế theo hệ thống trong phòng trên cơ sở bản đồ địa hình UTM tỷ lệ 1/50.000. Khoảng cách giữa các ô được tính toán để đảm bảo bao quát toàn bộ các kiểu trạng thái rừng hiện có và dung lượng mẫu đủ lớn phục vụ công tác xử lý thống kê, tính toán các đặc trưng cơ bản của rừng như các trị số bình quân đường kính D1,3, chiều cao..., hay tính toán trữ lượng bình quân cho từng trạng thái rừng trên mỗi vùng sinh thái.... Thông tin thu thập phục vụ cho việc xây dựng các báo cáo theo dõi các chỉ tiêu về chất lượng rừng.

Ô định vị nghiên cứu sinh thái được thiết kế trên cơ sở chọn từ ô sơ cấp với những ô đại diện cho các trạng thái rừng đặc trưng, như vậy hệ thống các ô định vị có hai loại ô với mức độ điều tra chi tiết khác nhau đó là ô sơ cấp (OSC) và ô định vị nghiên cứu sinh thái (OĐVNCST) và phục vụ hai mục đích khác nhau.

- Ô định vị nghiên cứu sinh thái được thiết lập với mục đích là: Để thực hiện việc điều tra, nghiên cứu bản chất và các quy luật của rừng trong các mối quan hệ bên trong và bên ngoài, giữa rừng cùng với các nhân tố ngoại cảnh, tăng trưởng của rừng, nhằm tạo ra những căn cứ khoa học xác đáng phục vụ cho các kế hoạch sử dụng lâu bền tài nguyên rừng, vì sự nghiệp phát triển bền vững của cộng đồng, xã hội cũng như các mặt công tác quản lý của nhà nước.

- Ô sơ cấp được thiết lập với mục đích: Thu thập những thông tin cần thiết phục vụ cho chương trình, đặc biệt là phục vụ cho xây dựng các báo cáo đánh giá chất lượng rừng với các nội dung đo đếm sau:

Thu thập thông tin về cây gỗ như đường kính ngang ngực (D1,3), chiều cao vút ngọn, chiều cao dưới cành, điều tra cây đặc sản, điều tra cây tái sinh... Những thông tin này nhằm phục vụ cho việc xác định trữ lượng bình quân, đánh giá khả năng tái sinh phục hồi, và diễn biến cấu trúc (tổ thành loài cây, phân bố chiều cao, phân bố đường kính…) của các trạng thái rừng, cũng như phân bố của các loài cây đặc sản.

 

2.3.2. Phương pháp xác định và thu thập thông tin ngoại nghiệp

 

2.3.2.1. Ô sơ cấp

 

Tổng số ô sơ cấp sẽ được tiếp tục điều tra, thu thập thông tin trong chu kỳ IV là 2.100 ô.

Toàn bộ số sơ cấp sẽ được điều tra trong 5 năm, mỗi năm điều tra 1/5 số ô phân bố có hệ thống và đều trên phạm vi toàn quốc với khoảng cách 8x8km một ô.

Diện tích mỗi ô là 100 ha. Xuất phát từ tâm ô theo hướng Bắc và Đông lập hai dải đo đếm vuông góc hình L, mỗi dải có 20 ô thứ cấp, diện tích ô thứ cấp là 500 m2/ô. (nội dung cụ thể được trình bày chi tiết tại hướng dẫn biện pháp kỹ thuật điều tra ô sơ cấp) phân bố ô sơ cấp và bố trí ô thứ cấp trong ô sơ cấp được thể hiện như sơ đồ 2 và 3

 

2.3.2.2.       Ô định vị nghiên cứu sinh thái

Ô định vị nghiên cứu sinh thái rừng (OĐVNCSTR) là hệ thống ô điển hình, được xác lập để theo dõi lâu dài các nhân tố về sinh thái rừng. Mỗi ô đại diện cho ít nhất một trạng thái thuộc một kiểu của hệ sinh thái rừng ở một vùng sinh thái nhất định.

Căn cứ vào hồ sơ của 4.200 OSC trên phạm vi toàn quốc, Chu kỳ III đã chọn và lập 100 OĐVNCSTR, trong đó có 73 ô đã điều tra trong chu kỳ II và 27 ô được bổ sung trong chu kỳ III. Chu kỳ IV sẽ điều tra lại 100 ô cũ (trong đó 27 ô được điều tra lặp lại lần 2 và 73 ô điều tra lại lần 3).

Trong OĐVNCSTR sẽ thu thập lại thông tin trong toàn bộ hệ thống các ô thứ cấp có diện tích 1 ha, 400 m2, 16 m2 như các số liệu về cây gỗ, cây tái sinh... Nội dung điều tra thu thập số liệu trong ô theo biện pháp kỹ thuật và mẫu biểu quy định. (chi tiết xem biện pháp kỹ thuật điều tra ô định vị)

Thông tin được thu thập trực tiếp thông qua việc đo đếm đường kính D1,3, chiều cao vút ngọn Hvn, một số cây điển hình, chiều cao dưới cành Hdc, đo đếm số lượng cây tái sinh, xác định tên cây, lấy mẫu tiêu bản, giám định trong phòng trong trường hợp chưa xác định được tên cây ngoài rừng.

Khoanh vẽ xác định các trạng thái rừng trong ô.

Vẽ trắc đồ dọc và ngang trên diện tích 400 m2

Thu thập tiêu bản các loài thực vật rừng tại các ô định vị nghiên cứu sinh thái.

 (Cụ thể xem hướng dẫn kỹ thuật thu thập thông tin ô sơ cấp trên diện tích có rừng và ô sơ cấp trên diện tích đất không rừng và ô định vị nghiên cứu sinh thái)

 

2.3.3. Xử lý thông tin ô sơ cấp và ô định vị nghiên cứu sinh thái rừng

a)      Mục đích

- Sử dụng công nghệ thông tin để tổng hợp và xử lý toàn bộ các tài liệu điều tra đã được thu thập trên các ô đo đếm, để tính toán các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng rừng phục vụ cho Chương trình.

- Sắp xếp hệ thống lưu trữ trên máy tính các thông tin, như số liệu đo đếm tại các ô để phục vụ quá trình phân tích, xử lý của chương trình và đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, theo dõi lâu dài.

- Phục vụ nghiên cứu các đặc điểm sinh thái rừng tự nhiên, đặc biệt là hệ sinh thái rừng nhiệt đới.

b)      Nội dung

- Thiết kế và xây dựng chương trình xử lý thông tin theo yêu cầu phân tích của chu kỳ IV trên máy tính:

            + Lập trình xử lý hệ thống OSC và OĐVNCSTR trên cơ sở so sánh phân tích số liệu qua các lần điều tra. Phần mềm được sử dụng thống nhất nhằm đáp ứng yêu cầu tính toán, xử lý số liệu của chương trình, đáp ứng được với nhu cầu nghiên cứu của mọi đối tượng.

+ Xây dựng biện pháp kỹ thuật xử lý tổng hợp các nguồn thông tin (đặc biệt chú ý đến việc khai thác thông tin của chu kỳ III) và mô hình phục vụ dự báo diễn biến tài nguyên rừng.

- Thiết kế cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và yêu cầu khai thác sử dụng.

- Kiểm tra, chỉnh lý số liệu các ô định vị nghiên cứu sinh thái và ô sơ cấp thu thập  hàng năm.

- Nạp và tổ chức các tệp thông tin số liệu, bản đồ vào máy gồm:

+ Số liệu điều tra OSC, OĐVNCSTR, ô điều tra bổ sung của các chuyên đề...

+ Thông tin số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và các số liệu khác có liên quan tới quản lý và phát triển tài nguyên rừng.

 

- Xử lý số liệu 2.100 OSC.

+ Tính các nhân tố điều tra và chỉ tiêu thống kê của OSC phục vụ cho việc xếp khối. Tính M/ha, biến động, sai số thống kê cho từng trạng thái rừng theo từng kiểu rừng/tỉnh, vùng sinh thái.

+ Kết hợp với diện tích phân theo khối rừng theo đơn vị hành chính để xác định trữ lượng bình quân, số cây/ha theo loài, nhóm công dụng, cấp đường kính theo trạng thái, kiểu rừng, đơn vị hành chính...

+ Phân tích các thông tin từ hệ thống OSC, so sánh các chỉ tiêu của 3 chu kỳ để phục vụ chỉnh lý bản đồ rừng.

+ Xác định sai số cho từng chỉ tiêu tinh toán.

- Xử lý số liệu 100 OĐVNCSTR.

    + Tính toán các chỉ tiêu thống kê các chỉ tiêu như:  M/ha, G/ha...

                + Xác định các quy luật phân bố D1,3; Hvn

    + Xác định tổ thành loài...

    + Tính sai số cho các chỉ tiêu về rừng như trữ lượng, tổ thành...

    + Kết hợp với phân tích, tính toán trên OSC để xác định cấu trúc của các trạng thái rừng.

- Xây dựng phần mềm nhập, cập nhật và xử lý số liệu. Sử dụng các phần mềm GIS để nhập và xử lý phân tích hệ thống bản đồ.

 

2.4.     Thành quả

- Cơ sở dữ liệu về chất lượng tài nguyên rừng như: Trữ lượng, tổ thành loài..., đáp ứng yêu cầu khai thác thông tin phục vụ cho chương trình và cho công tác quản lý tài nguyên rừng của ngành.

- Báo cáo kết quả xử lý số liệu OSC và báo cáo kết quả xử lý OĐVNCSTR.

- Hệ thống tư liệu gốc thu thập thông tin từ các ô định vị bao gồm: 2.100 ô sơ cấp và 100 ô định vị dưới dạng tư liệu và tư liệu số.

- 2.500 tiêu bản thực vật rừng thu thập từ các ô định vị nghiên cứu sinh thái phục vụ cho công tác trưng bày tại bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam.

- Báo cáo kết quả theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu của rừng như:

+ Báo cáo kết quả tính toán trữ lượng rừng tại 6 vùng và toàn quốc

·      Trữ lượng rừng tự nhiên theo đơn vị hành chính, chủ quản lý

·      Trữ lượng rừng theo trạng thái và nhóm loài cây

+Báo cáo tình hình tăng trưởng rừng tại 6 vùng và toàn quốc

·      Tăng trưởng rừng trồng cho một số loài có diện tích lớn

·             Tăng trưởng rừng tự nhiên của các trạng thái rừng theo đơn vị hành chính.

+ Báo cáo kết quả phân tích cấu trúc rừng tự nhiên 6 vùng và toàn quốc

·      Tổ thành rừng

·      Các phân bố (D, H, Mật độ)

 

3.                       Điều tra xây dựng các báo cáo chuyên đề

 

3.1. Điều tra, đánh giá, theo dõi diễn biến tài nguyên động vật rừng

 

3.1.1.      Mục đích

- Nhằm điều tra, đánh giá hiện trạng và theo dõi tình hình diễn biến nguồn lợi tài nguyên động vật rừng của một số loài có giá trị kinh tế và ý nghĩa về mặt khoa học đang có nguy cơ tuyệt chủng.

- Nhằm đánh giá xu thế diễn biến và mức độ đe dọa tiêu diệt loài, đề xuất giải pháp bảo tồn và khôi phục, phát triển một số loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

 

3.1.2.      Nội dung

Ngoài việc xác định hiện trạng (thành phần loài, phân bố, số lượng...) và đánh giá diễn biến, trong chu kỳ IV sẽ tập trung nghiên cứu thêm vào một số vấn đề sau:

- Xây dựng danh mục các loài động vật có xương sống trên cạn theo các mức độ nguy cấp.

- Đánh giá tình trạng các loài động vật có nguy cơ bị tiêu diệt và phân hạng theo chỉ tiêu mới của IUCN.

- Điều tra số lượng và phân bố của một số loài động vật có xương sống thuộc nhóm có nguy cơ bị tiêu diệt như voi, tê giác, hổ, bò rừng, hươu vàng, cà toong, vượn, voọc Hà Tĩnh, voọc mũi hếch, voọc quần đùi, trĩ các loại, cá sấu, cá cóc Tam Đảo, và hai loài thú mới phát hiện là Sao la, Mang lớn.

- Xác định xu hướng biến động và đánh giá công tác quản lý bảo vệ các loài động vật quý hiếm ở Việt Nam.

- Thiết lập một số điểm theo dõi lâu dài, để theo dõi tình hình diễn biến một số loài động vật chỉ thị. Lịch theo dõi, thời gian theo dõi được thiết kế phụ thuộc vào đặc điểm sinh thái loài cần theo dõi

- Đề xuất giải pháp bảo vệ các loài động vật quý hiếm.

 

3.1.3.       Phương pháp

- Thu thập các tài liệu có liên quan, các nguồn số liệu đã điều tra trước đây, sơ thám kiểm chứng các tài liệu thu thập được.

- Trên phạm vi toàn quốc, số liệu điều tra được thu thập qua các phiếu điều tra động vật trong hệ thống OSC và lập thêm một số ô, hoặc tuyến điều tra theo các vùng địa lý tự nhiên và các kiểu rừng khác nhau để điều tra quan sát thành phần, số lượng, phân bố... bằng các kỹ thuật điều tra đo đếm chuyên ngành.

- Điều tra thành phần, phát hiện các loài quý, hiếm, xác định mức độ nguy cấp cho từng loài và sưu tập mẫu vật (nếu có)

- Điều tra trữ lượng, điều kiện sống, tình hình săn bắt trước đây và hiện nay...

- Xác định một số điểm, lịch theo dõi thường xuyên một số loài có khả năng chỉ thị cao.

- Đề xuất các giải pháp bảo vệ và phát triển.

 

3.1.4.      Thành quả

+ Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá theo dõi biến động tài nguyên động vật rừng trên phạm vi 8 vùng và toàn quốc.

+ Số liệu quan sát theo dõi hàng năm

(Xem: Đề cương chuyên đề điều tra, đánh giá, theo dõi diễn biến tài nguyên động vật rừng)

 

3.2. Điều tra, đánh giá, theo dõi diễn biến tài nguyên côn trùng rừng và sâu bệnh hại rừng trồng

 

3.2.1.      Mục đích

- Đối với côn trùng rừng: Nhằm tiếp tục bổ sung hoàn thiện biện pháp kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên côn trùng của rừng Việt Nam để tư vấn cho Bộ và Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ, nuôi dưỡng và bảo tồn các loài côn trùng có ích và có giá trị kinh tế. Thông qua theo dõi một số loài côn trùng có tính chất chỉ thị tìm hiểu về những biến động môi trường rừng nói riêng, môi trường tự nhiên nói chung.

- Đối với sâu bệnh hại rừng trồng: Nhằm nghiên cứu tình hình sâu bệnh hại ở các mức độ khác nhau đối với một số loài cây trồng rừng chủ yếu có diện tích lớn trong Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Đề xuất các biện pháp phòng trừ thích hợp và dự báo các khu vực có nguy cơ bị dịch sâu hại cho mỗi loài cây trồng theo các vùng trồng rừng.

- Tiếp tục hoàn chỉnh bộ mẫu vật côn trùng, sâu bệnh hại rừng Việt Nam.

3.2.2.      Nội dung

- Điều tra, đánh giá, theo dõi diễn biến  tài nguyên côn trùng rừng:

+ Điều tra, thống kê thành phần loài trong khu điều tra (phân biệt theo mức độ nguy hại).

+ Đánh giá biến động số lượng, phân bố loài và tính đa dạng sinh học.

+ Đánh giá về giá trị kinh tế và ý nghĩa khoa học (đặc biệt là những loài côn trùng có giá trị kinh tế).

+ Đề xuất định hướng quản lý, bảo vệ và phát triển.

+ Thu thập bộ mẫu vật côn trùng rừng.

+ Xác định một số điểm theo dõi định vị, hàng năm tổ chức theo dõi đo đếm một số loài côn trùng có khả năng chỉ thị về sự biến động môi trường cao theo định kỳ.

- Đối với sâu bệnh hại rừng trồng:

+ Điều tra, thống kê thành phần loài sâu hại và thiên địch trên mỗi loài cây trồng chủ yếu.

+ Đối với loài sâu hại phổ biến và gây tác hại lớn phải điều tra một số đặc điểm sinh học, xác định vùng phân bố và mức độ gây hại cũng như biến động của chúng.

- Đề xuất biện pháp dự báo, phòng trừ.

- Thu thập và hoàn thiện bộ mẫu vật sâu bệnh hại rừng trồng.

- Xác định điểm, lịch quan sát hàng năm, nhằm theo dõi biến đổi quần thể một số loài côn trùng có khả năng chỉ thị cao với sự biến động của môi trường.

 

3.2.3.      Phương pháp

- Tập hợp, thu thập các thông tin tư liệu liên quan các nguồn đã có.

- Điều tra, thu thập số liệu ngoại nghiệp tại ô tiêu chuẩn, điểm điều tra hoặc tuyến  điều tra, theo dõi quan sát định vị để xác định diễn biến thành phần loài theo thời gian, không gian.

- Tổng hợp, xử lý, phân tích số liệu trên ô sơ cấp và ô định vị, viết báo cáo.

- Xác định lịch và địa điểm quan sát theo dõi động thái quần thể một số loài côn trùng mẫm cảm với sự biến đổi của tự nhiên, làm cơ sở đánh giá biến đổi điều kiện môi trường rừng nói riêng, môi trường sống nói chung.

 

3.2.4.      Thành quả

- Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên côn trùng rừng và sâu bệnh hại ở rừng trồng của một số loài cây chủ yếu tại 8 vùng và toàn quốc.

- Báo cáo đề xuất địa điểm, lịch theo dõi một số loài côn trùng tự nhiên và báo cáo kết quả quan sát hàng năm.

- Bộ mẫu vật bổ sung về côn trùng sâu hại rừng Việt Nam.

 

(Xem: Đề cương điều tra chuyên đề theo dõi diễn biến tài nguyên côn trùng rừng và sâu bệnh hại rừng trồng)

 

3.3.  Điều tra, đánh giá biến động tài nguyên lâm sản ngoài gỗ

 

3.3.1. Mục đích

- Đánh giá hiện trạng về diện tích, phân bố, trữ lượng hiện có cũng như khả năng khai thác tài nguyên lâm sản ngoài gỗ trong rừng tự nhiên, đề xuất giải pháp gây trồng.

- Đề xuất phương hướng quản lý sử dụng và phát triển ổn định lâu bền các loại lâm sản ngoài gỗ, không ngừng đáp ứng nhu cầu của kinh tế và bảo vệ môi trường rừng.

 

3.3.2. Nội dung

- Điều tra khảo sát và đánh giá về hiện trạng phân bố, trữ sản lượng và sự biến động về diện tích, sản lượng khai thác sử dụng, tình hình quản lý, chế biến thành phẩm và nhu cầu tiêu thụ lâm sản ngoài gỗ.

- Đề xuất phương hướng quy hoạch phát triển chung và riêng cho một số loài chủ yếu.

 

3.3.3. Phương pháp

Trình tự công việc và phương pháp tiến hành như sau:

- Thu thập và khai thác các nguồn thông tin.

+ Khai thác thông tin trong hệ thống các OSC và ô ĐVNCSTR.

+ Khai thác các nguồn thông tin từ các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu của nhà nước và tư nhân.

+ Tìm hiểu thị trường về nhu cầu lâm sản ngoài gỗ.

- Khảo sát thực địa trên một số tuyến và điểm điều tra quan sát đại diện cho các vùng địa lý, các kiểu địa hình, các kiểu thảm thực vật rừng... để thu thập các số liệu tin cậy về hiện trạng phân bố, đánh giá tiềm năng trữ sản lượng trong các vùng điều tra.

- Phân tích, tổng hợp tài liệu, xây dựng báo cáo.

 

3.3.4.Thành quả

- Báo cáo kết quả điều tra đánh giá tài nguyên lâm sản ngoài gỗ trên 8 vùng lâm nghiệp.

- Báo cáo kết quả điều tra lâm sản ngoài gỗ trên phạm vi toàn quốc và kiến nghị về phương hướng quản lý, bảo vệ, phát triển các loài đặc sản ở Việt Nam.

(Xem: Đề cương điều tra, đánh giá biến động tài nguyên lâm sản ngoài gỗ)

 

3.4. Đánh giá diễn biến tài nguyên rừng dưới tác động tổng hợp của các nhân tố kinh tế xã hội

 

3.4.1.      Mục đích:

Thông qua việc điều tra, đánh giá tổng hợp các điều kiện kinh tế, xã hội xác định nguyên nhân gây ra những biến động tài nguyên rừng, đề xuất những giải pháp nhằm hạn chế những tác động bất lợi đến nguồn tài nguyên rừng Việt Nam.

 

3.4.2.      Nội dung

+ Thu thập thông tin về điều kiện kinh tế, xã hội liên quan đến những biến động về rừng.

+ Xác định và phân tích những nhân tố ảnh hưởng quyết định đến diễn biến tài nguyên rừng như: Những tác động do điều kiện kinh tế xã hội, chính sách...

+ Xây dựng báo cáo phân tích, tổng hợp mối liên quan giữa điều kiện kinh tế xã hội đến những biến đổi về tài nguyên rừng.

+ Xây dựng bản đồ mối tương quan giữa đói nghèo và tài nguyên rừng.

 

3.4.3.      Phương pháp

+ Thu thập thông tin thống kê các chỉ tiêu dân sinh kinh tế xã hội tại các cơ quan thống kê nhà nước tại các vùng, tỉnh và một số huyện, xã.

+ Sử dụng phương pháp chuyên gia đánh giá thông qua các cuộc hội nghị được tổ chức tại các địa phương.

+ Xây dựng bộ mẫu phiếu phỏng vấn gửi đến các cơ quan chuyên môn, hộ gia đình.

+ Phỏng vấn trực tiếp các đối tượng có liên quan đến những biến động tài nguyên rừng.

 + Chồng xếp các bản đồ chuyên đề bằng công nghệ GIS.

 

(Xem: Đề cương đánh giá diễn biến tài nguyên rừng dưới tác động tổng hợp của các nhân tố kinh tế xã hội)

 

 

3.4.4.      Thành quả

+ Báo cáo kết quả điều tra, đánh giá tác động tổng hợp điều kiện kinh tế xã hội đến sự biến động tài nguyên rừng trên phạm vi toàn quốc và 8 vùng.

 

4. Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ ngành Lâm nghiệp

 

4.1. Mục đích

-  Hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng một cách lâu dài liên tục và toàn diện (bao gồm các phần mềm cập nhật thông tin, bản đồ và các phần mềm chuyên ngành phục vụ cho các nhu cầu truy cập thông tin.

- Toàn bộ số liệu bản đồ của chương trình (kể cả 3 chu kỳ trước) được tổ chức, lưu trữ trên máy tính theo không gian và trình tự thời gian. Số liệu sẽ được cập nhật thường xuyên nhằm đáp ứng một cách đầy đủ, nhanh chóng các nhu cầu thông tin cho công tác quản lý tài nguyên rừng, hoặc các ngành kinh tế có liên quan và nghiên cứu khoa học.

-  Cập nhật và hoàn thiện trang WEB của chương trình, tạo thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng các thông tin và hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng của các ngành, các cấp và các đơn vị có nhu cầu. Từng bước cung cấp các số liệu về tài nguyên rừng trên mạng của Bộ.

 

4.2. Nội dung, trình tự các bước công việc

-  Xây dựng quy trình xử lý, quản lý dữ liệu, thiết kế các biểu kết quả và mẫu mã thông tin đầu vào.

-  Tập hợp các tài liệu (số liệu và bản đồ) nạp vào máy tính theo các quy tắc mã hoá, quy tắc tổ chức số liệu đã định sẵn.

-  Viết các chương trình xử lý số liệu, quản lý, truy cập, truy vấn và truy xuất các dữ kiện theo các mục tiêu xác định.

-  Xử lý và cung cấp thông tin theo quy trình đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên rừng và kinh doanh rừng.

-  Cập nhật thường xuyên trang WEB, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng thành quả của chương trình của các ngành các cấp, các đơn vị liên quan.

-  Cập nhật và không ngừng đổi mới các thông tin được tiếp nhận từ các tổ chức, các đơn vị quản lý, kinh doanh lâm nghiệp.

- Lưu trữ toàn bộ các ô định vị nghiên cứu sinh thái và ô sơ cấp của các chu kỳ trước và 2.100 ô sơ cấp và 100 ô định vị nghiên cứu sinh thái của Chu kỳ IV.

 

4.3. Phương pháp

+ Huy động, sử dụng các chuyên gia chuyên ngành, phối hợp với chuyên gia công nghệ thông tin, chuyên gia GIS để xây dựng các phần mềm chuyên dụng với tiêu chí đơn giản dễ sử dụng, tốc độ xử lý nhanh, ổn định...

+ Sử dụng công nghệ mạng kết nối máy tính cá nhân hình thành mạng thông tin sử dụng thành quả chương trình.

 

4.4. Thành quả

- Hoạt động của trang Web trên mạng thông tin của Bộ NN&PTNT.

- Hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng được quản lý trên mạng và các chương trình xử lý nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác đầy đủ, toàn diện, kịp thời các thông tin, số liệu về tài nguyên rừng.

- Bộ bản đồ các loại tỷ lệ từ 1/25.000 cho 1.000 xã và đến 1/1.000.000 đã được xử lý, biên tập trên phạm vi toàn quốc được lưu trữ trên mạng, phục vụ tất cả các cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong ngành Lâm nghiệp.

- Các bản đồ chuyên đề như bản đồ đai cao, độ dốc, quy hoạch 3 loại rừng, phân cấp phòng hộ, dân sinh kinh tế được lưu trữ trong máy chủ.

- Hệ thống các báo cáo nghiên cứu cơ bản về tài nguyên rừng, về đất lâm nghiệp được tổ chức hệ thống trong trang Web, thuận tiện cho việc khai thác sử dụng.

- Các File số liệu của hệ thống ô định vị, ô sơ cấp được tổ chức theo thời gian phục vụ nghiên cứu và theo dõi lâu dài.


+ Hệ thống cơ sở dữ liệu (phần cứng, phần mềm chuyên dụng)

 

5.         Tăng cường, hoà thiện công nghệ điều tra rừng và công tác quảng bá thông tin tài liệu

 

5.1. Mục đích:

Cập nhật, ứng dụng công nghệ mới vào công tác điều tra rừng, trao đổi thông tin, truyền bá những thông tin thu thập, xử lý cho những đối tượng có nhu cầu từ Trung ương cho đến địa phương. Lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, trên cơ sở đó điều chỉnh cập nhật nội dung của chương trình nếu thấy cần thiết. Nghiệm thu những thành quả đã đạt được hàng năm.

 

5.2. Nội dung

- Tổ chức hội nghị khoa học, hội thảo chuyên đề để báo cáo kết quả đã đạt được.

- Tìm hiểu nhu cầu thông tin của các cơ quan, từ Trung ương đến địa phương.

- Xây dựng nội dung hội nghị, hội thảo

- Tổ chức hội nghị (phòng họp, xe đưa đón...in ấn tài liệu, đặt viết bài, báo cáo...)

- Thu thập thông tin, phương  pháp luận phục vụ cho những nghiên cứu tiếp theo về công tác điều tra rừng

 

5.3. Phương pháp

Hội nghị toàn thể có chia nhóm thảo luận trong thời gian 1-2 ngày, đối tượng tham gia là các nhà quản lý và các nhà chuyên môn từ các cơ quan trung ương và từ các địa phương.

 

5.4. Thành quả

+ Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào công tác điều tra rừng (cập nhật công nghệ thế giới và trong vùng)

+ Kỷ yếu hội nghị hàng năm, công bố kết quả hoạt động của chương trình và những kết quả lớn.

 

Print    Share    Tweet    Pin    Gmail
28/11/2014 12:16:00 AM - Lượt xem: 6497
  Bài viết khác
Thành quả Chương trình Điều tra, đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc giai đoạn 2006-2010 (Chu kỳ IV)
Bản đồ hiện trạng rừng các tỉnh; Báo cáo chuyên đề; Báo cáo lâm học Vùng; Số liệu điều tra ô sơ cấp, ô định vị nghiên cứu sinh thái (2006-2010)
Bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng Chu kỳ III
BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG TÀI NGUYÊN RỪNG TOÀN QUỐC 2005
Số liệu điều tra Tài nguyên rừng Việt Nam
TỔNG HỢP SỐ LIỆU CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ VÀ THEO DÕI DIỄN BIẾN TÀI NGUYÊN RỪNG TOÀN QUỐC 2001-2005

 Banner Tiện ích

  Thông tin - Thông báo

 Dữ liệu ngành

Videos clips
Nông nghiệp chuyển động: Để Luật Lâm ngh ...
Phóng Sự: Tái cơ cấu lâm nghiệp theo hướ ...
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách: bước ...

Thư viện ảnh
  Vẻ đẹp núi rừng
Sinh cảnh rừng Nam Bộ
Đào tạo, tập huấn
Ảnh vệ tinh SPOT5

 Liên kết - Đối tác

  Thống kê truy cập - Tổng số: 1,694,268 Lượt xem
Trực tuyến : 12 Hôm nay : 1,051
Tháng này: 18,216 Năm nay: 18,216

  Liên kết mạng xã hội

VIỆN ĐIỀU TRA QUY HOẠCH RỪNG
Địa chỉ: Vĩnh Quỳnh - Thanh Trì - Ha Nội - Việt Nam
Điện thoại: +84.04.8613858 - Fax: +84.04.8612881
Email: fipivn@hn.vnn.vn - Website: http://www.fipi.vn
Đơn vị xây dựng và phát triển: www.ntssvn.com