I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Thông qua công tác điều tra rừng toàn diện và liên tục trên quy mô toàn quốc, cung cấp đầy đủ các thông tin về số lượng, chất lượng cũng như đánh giá như xu hướng diễn biến của rừng trong mối quan hệ với các hoạt động kinh tế xã hội, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược và kế hoạch sử dụng hợp lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, phát triển kinh tế xã hội trong phạm vi toàn quốc.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Điều tra, đánh giá và theo dõi diễn biến diện tích rừng, đất rừng
Đánh giá hiện trạng, sự biến động diện tích rừng và đất rừng; xác định các nguyên nhân gây ra biến động, thông qua việc sử dụng bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng tỷ lệ 1/25.000 được xây dựng từ giải đoán ảnh vệ tinh SPOT 5 có độ phân giải 2,5x2,5 m trên phạm vi 1000 xã có sự biến động lớn về diện tích rừng, bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng tỷ lệ 1/50.000 cho các huyện, bản đồ 1/100.000 cho các tỉnh. Đây cũng là bản đồ làm cơ sở dữ liệu ban đầu cho công tác thống kê theo dõi diễn biến diện tích rừng hàng năm của các địa phương.
2.2. Cung cấp thông tin về đặc trưng của tài nguyên rừng
Thông qua việc điều tra thu thập thông tin từ 2.100 ô sơ cấp (ô định vị được điều tra năm năm một lần nhằm thu thập những thông tin, các chỉ tiêu về rừng dưới sự tác động của tất cảc các điều kiện tự nhiên và xã hội) và 100 ô định vị nghiên cứu sinh thái (ô định vị không chịu sự ảnh hưởng của điều kiện xã hội, được bảo vệ nghiêm ngặt) theo dõi lâu dài tài nguyên rừng một cách toàn diện từ số lượng đến chất lượng rừng và các đặc trưng của rừng.
Trên cơ sở thông tin điều tra thu thập được từ hệ thống ô nghiên cứu (ô định vị và ô sơ cấp) xây dựng báo cáo khoa học với các nội dung xác định năng suất rừng, tăng trưởng của rừng trong từng giai đoạn, những biến động của khả năng sản xuất của rừng, đánh giá biến động cấu trúc rừng, theo dõi đánh giá những biến động của tái sinh rừng trên các vùng, các hoàn cảnh khác nhau, đánh giá tài nguyên, phân bố của những loài lâm sản ngoài gỗ chính.
2.3. Điều tra, xây dựng hệ thống các báo cáo chuyên đề
Bao gồm:
a) Điều tra, đánh giá tài nguyên côn trùng rừng và sâu bệnh hại rừng trồng trên phạm vi 8 vùng và toàn quốc.
b) Điều tra, đánh giá và theo dõi biến động tài nguyên động vật rừng trên phạm vi 8 vùng và toàn quốc.
c) Điều tra, đánh giá tài nguyên lâm sản ngoài gỗ (8 vùng và toàn quốc)
d) Đánh diễn biến tài nguyên rừng dưới tác động tổng hợp của các nhân tố kinh tế xã hội
2.4. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ
Bao gồm:
- Hệ thống bản đồ hiện trạng rừng tỷ lệ 1/25.000 cho 1.000 xã; 1/100.000 cho tỉnh; 1/250.000 cho vùng và 1/1.000.000 cho toàn quốc.
- Hệ thống cơ sở dữ liệu do các cơ quan quản lý cấp trung ương theo dõi giám sát và quản lý, dễ ràng cung cấp kịp thời cho các cơ quan quản lý trung ương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển ngành.
- Hệ thống các phần mềm chuyên dụng dễ sử dụng giúp cho cán bộ làm công tác nghiên cứu, quản lý có thể tiếp cận được những thông tin tổng hợp về ngành lâm nghiệp.
- Hình thành cơ sở dữ liệu về rừng mà các đối tượng làm công tác nghiên cứu có thể tiếp cận và sử dụng một cách đơn giản.
2.5. Tăng cường, hoàn thiện công nghệ điều tra rừng, công tác quản bá thông tin tư liệu của Chương trình
- Cập nhật công nghệ mới, tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, đưa công nghệ mới vào ứng dụng tại Việt Nam.
- Xây dựng đề cương kỹ thuật cho chu kỳ V...
- Tổ chức hội nghị hội thảo, quảng bá thông tin, kết quả của Chương trình…