Tin mới  
 
England
-> Tin tức - Sự kiện -> Hoạt động - Sự kiện

Viện Điều tra, Quy hoạch rừng 50 năm xây dựng và trưởng thành

Báo cáo 50 năm xây dựng và trưởng thành của Viện Điều tra, Quy hoạch rừng được trình bày tại buổi Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

Viện Điều tra, Quy hoạch rừng được thành lập theo Nghị định số 140/CP ngày 29/9/1961 của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) với tên gọi là Cục Điều tra quy hoạch, trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp. Mười năm sau, theo Quyết định số 73/CP ngày 05/4/1971 của Chính phủ được đổi tên là Viện Điều tra quy hoạch rừng, thuộc Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT).; và hiện nay do yêu cầu của công tác tổ chức, theo Quyết định số 04 ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Viện ĐTQHR trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT).

Với nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, đồng hành qua những giai đoạn lịch sử đầy biến động, nhiều khó khăn, nhưng cũng đầy vinh quang của đất nước, hôm nay. Viện ĐTQHR long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì. Đây là phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước tặng thưởng cho tập thể Cán bộ, Đảng viên và Công nhân viên của Viện sau 50 năm phấn đấu nỗ lực hết mình, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

- Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, các vị khách quý.

 Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, đơn vị đã nhiều lần thay đổi tên gọi nhưng bản chất vẫn là cơ quan sự nghiệp kinh tế khoa học làm công tác Điều tra quy hoạch rừng phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước đối với ngành Lâm nghiệp. Có thể nói 50 năm – một chặng đường với biết bao khó khăn gian khổ của thời kỳ kháng chiến và hơn 20 năm đổi mới nền kinh tế đất nước, các thế hệ Cán bộ công nhân viên chức Viện ĐTQHR đã phấn đấu đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác. Nhân dịp này chúng tôi xin điểm lại những sự kiện và thành tích nổi bật trong 50 năm qua.

 

* Giai đoạn từ 1961 -1964

          Đây là thời kỳ đặt nền tảng cho sự nghiệp phát triển công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp và xây dựng quy hoạch, kế hoạch của ngành Lâm nghiệp nước ta; là thời kỳ khởi đầu gắn công tác điều tra, nghiên cứu khoa học lâm nghiệp với thực tiễn sản xuất để khôi phục kinh tế miền Bắc mới được giải phóng, bước vào xây dựng CNXH sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Khởi đầu của thời kỳ này Viện chỉ có 34 cán bộ bao gồm một bộ phận cán bộ chiến sĩ quân đội chuyển ngành và một số kỹ sư, trung cấp mới ra trường, nhưng Viện đã tập trung lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Quỳ Châu – Nghệ An với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc. Thành quả lớn nhất đạt được trong thời kỳ này là hình thành khu kinh tế Lâm nghiệp Sông Hiếu, Nghệ An.

* Giai đoạn từ 1965 - 1975

          Viện đã từng bước hình thành và phát triển hệ thống các đơn vị, tổ đội trực thuộc, các phòng ban nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Số lượng CBCNV toàn Viện lên đến 1.500 người gồm đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao bên cạnh một đội ngũ cán bộ kỹ thuật đông đảo đã tạo cho Viện tiềm năng lớn mạnh về nguồn nhân lực.

Trong thời kỳ này, quán triệt sâu sắc và thực hiện chủ trương của Nhà nước về xây dựng cấp huyện trở thành tuyến phòng thủ vững chắc về quân sự và mạnh về kinh tế, Viện đã cùng với các địa phương xây dựng phương án quy hoạch cho 300 huyện, giúp các địa phương phát triển kinh tế lâm nghiệp có quy hoạch và đạt hiệu quả cao.

          Đồng thời, Viện đã tập trung cán bộ kỹ thuật hợp tác với chuyên gia Thụy Điển, lần đầu tiên sử dụng ảnh máy bay trên quy mô lớn điều tra xây dựng vùng nguyên liệu giấy Hàm Yên – Bắc Quang, phục vụ xây dựng phương án quy hoạch vùng nguyên liệu giấy đầu tiên của Việt Nam, đặt nền móng cho việc xây dựng nhà máy giấy Bãi Bằng với công suất ban đầu 5 vạn tấn/ năm.

          Bên cạnh đó, Viện cũng đã tổ chức thực hiện hàng loạt những công trình nghiên cứu về thực vật, động vật và đa dạng sinh học, điều tra cơ bản về tài nguyên rừng, xây dựng nhiều dự án quy hoạch phát triển lâm nghiệp cho miền Bắc. Các công trình tiêu biểu là Nghiên cứu rừng núi đá vôi miền Bắc Việt Nam; Bước đầu tìm hiểu quy luật kết cấu rừng ở một số khu rừng miền Bắc; Nghiên cứu Thảm thực vật và nguồn lợi chim thú rừng Tây Bắc,nghiên cứu về cây gỗ rừng Việt Nam, kết quả của công trình nghiên cứu này Viện đã xuất bản bộ sách “ Cây gỗ rừng Việt Nam” gồm 7 tập.…đây là những công trình, dự án về lâm nghiệp có quy mô lớn và rất quan trọng thời bấy giờ.

* Giai đoạn từ 1976 - 1990

          Sau ngày giải phóng miền Nam, công tác nghiên cứu, ĐTQHR đã nhanh chóng được triển khai trên phạm vi cả nước. Khởi đầu của thời kỳ này Viện đã tập trung lực lượng tiến hành điều tra, đánh giá nhanh tài nguyên rừng toàn miền Nam và quy hoạch phát triển lâm nghiệp thuộc các tỉnh Tây Nguyên làm cơ sở cho việc lập luận chứng Kinh tế kỹ thuật thành lập một loạt các Liên hiệp Lâm Nông Công nghiệp  với quy mô lớn góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội toàn vùng và phát triển của ngành Lâm nghiệp. Đồng thòi, triển khai Chương trình Đo đạc xây dựng bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 các vùng lâm nghiệp trọng điểm như vùng nguyên liệu giấy Hàm Yên – Bắc Quang, vùng Đông Gia Lai – Nam Đắc Lắc, vùng Tây Ninh – Sông Bé và vùng Đông Bắc.

          Trong giai đoạn này Viện đã phối hợp với các ngành tiến hành quy hoạch phân vùng nông – lâm nghiệp và xây dựng các phương án quy hoạch Lâm nghiệp, phân chia hệ thống tiểu khu trên phạm vi toàn quốc. Đây là cơ sở và bước quan trọng nhất cho việc thực hiện chủ trương xây dựng vốn rừng theo tiểu khu và là cơ sở cho việc hoạch định chính sách phát triển lâm nghiệp của đất nước.

          Đây cũng là thời kỳ mở đầu trong việc hợp tác quốc tế trong công tác chuyên môn của Viện với các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế. Tiêu biểu cho việc hợp tác quốc tế này là thông qua tài trợ của tổ chức FAO và UNDP, Viện đã triển khai có hiệu quả Dự án Điều tra tài nguyên rừng toàn quốc (dự án VIE/76/014) và Chương trình Điều chế rừng sản xuất toàn quốc (dự án VIE/82/002). Kết quả đáng ghi nhận là đầu năm 1983 chúng ta đã công bố chính thức bộ số liệu tài nguyên rừng toàn quốc theo một phương pháp thống nhất trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tương đối hiện đại của thế giới. Trong giai đoạn này, Viện còn hỗ trợ nước bạn Lào, Cămpuchia trong đào tạo, huấn luyện về kỹ thuật, phương pháp ĐTQHR, giúp các bạn Lào điều tra tài nguyên rừng toàn quốc thời kỳ 1985-1990...

          * Giai đoạn từ 1991 đến nay

          Mở đầu cho thời kỳ này là việc Viện đã thực hiện chương trình “Điều tra, đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng Việt Nam, 1991 - 1995”, dự án là pha đầu tiên của một chương trình dự kiến kéo dài trong nhiều chu kỳ 5 năm, với mục tiêu lâu dài là hoàn chỉnh từng bước việc cung cấp đầy đủ các thông tin đánh giá toàn diện tài nguyên rừng cũng như xu hướng diễn biến của chúng trong mối quan hệ hữu cơ với các hoạt động KTXH của đất nước. Hiện nay chương trình đã thực hiện được 4 chu kỳ kéo dài trong 20 năm, thành quả của chương trình qua các chu kỳ được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước nghiệm thu và cho công bố để các ngành khai thác sử dụng.

          Cũng trong thời kỳ này, Viện đã hai lần triển khai thực hiện Kiểm kê rừng tự nhiên và rà soát tài nguyên rừng trên toàn quốc (1991-1992 và 1998-2000), nhằm mục đích phân định các loại rừng sản xuất, đặc dụng, phòng hộ để có phương án bảo vệ và phát triển phù hợp với từng loại rừng. Thành quả các lần kiểm kê đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép công bố số liệu để các ngành, các cấp khai thác sử dụng.

          Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của rừng đối với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài và hệ sinh thái rừng... một hệ thống rừng đặc dụng gồm khoảng 140 khu Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di tích lịch sử cảnh quan  trên phạm vi toàn quốc đã được thành lập và đi vào hoạt động ổn định, mang nặng dấu ấn của công tác Điều tra quy hoạch rừng. Có thể nói đây là cơ sở khoa học quan trọng để Nhà nước đầu tư xây dựng nhằm nâng cao hơn nữa những giá trị đích thực của rừng.

          - Trong nghiên cứu cơ bản Viện đã tiến hành một loạt các công trình, trong đó có các công trình tiêu biểu như: Các loài linh trưởng trong sách đỏ Việt Nam và vấn đề bảo tồn chúng. Một số dẫn liệu về ba loài thú mới phát hiện ở Việt Nam. Nghiên cứu và đề xuất bảo vệ tính đa dạng sinh học các vườn quốc gia và các khu rừng đặc dụng ở Việt Nam. Ảnh hưởng của chiến tranh hóa học đối với tài nguyên rừng và phương hướng phục hồi rừng và môi trường sau chiến tranh...

          - Trong quy hoạch thiết kế và các dự án phát triển lâm nghiệp. Viện đã tiến hành nhiều dự án trên nhiều vùng kinh tế sinh thái. Nổi bật là các công trình, dự án như: Nghiên cứu định hướng phát triển lâm nghiệp vùng Tây Bắc thời kỳ 1996 – 2010. Những giá trị kinh tế và môi trường của các hệ sinh thái rừng các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, vùng nguyên liệu gỗ mỏ Đông Bắc. Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn. Quy hoạch vùng nguyên liệu giấy Việt Nam giai đoạn 2005-2015. Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng vành đai biên giới Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020...

          - Trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, Viện chủ yếu đi sâu nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào công tác điều tra, nghiên cứu tài nguyên rừng. Nổi bật là một số công trình: Xây dựng bản đồ rừng trên cơ sở ứng dụng thông tin viễn thám. Sử dụng kỹ thuật GIS để quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp; Nghiên cứu ứng dụng ảnh vệ tinh chất lượng cao và công nghệ thông tin trong việc điều tra, kiểm kể và đánh giá quản lý tài nguyên rừng.

Trong giai đoạn này, Viện ĐTQHR đã thực hiện hơn 700 công trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp, nghiên cứu ứng dụng ảnh viễn thám và công nghệ GIS, và nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác. Trong đó có 14 chương trình, đề tài, dự án cấp Nhà nước, 150 chương trình, đề tài, dự án cấp Bộ, còn lại là các đề tài, dự án cấp cơ sở. Viện chủ trì biên soạn, sửa đổi nhiều bộ tiêu chuẩn Ngành. Định mức KTKT trong ĐTQHR. Bộ Sổ tay Điều tra quy hoạch rừng do Viện chủ trì biên soạn là tài liệu tra cứu, hướng dẫn, tham khảo và ứng dụng trong công tác ĐTQHR được sử dụng rộng rãi và rất có hiệu quả.

          Các đề tài nghiên cứu khoa học của Viện tập trung hầu hết vào các lĩnh vực khoa học mũi nhọn như: Đặc điểm các khu hệ động, thực vật rừng và quy luật phân bố; Đa dạng sinh học và biện pháp bảo vệ. Biến đổi khí hậu và mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu công tác bảo vệ tài nguyên rừng; Những giá trị kinh tế và môi trường của các hệ sinh thái rừng; Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường; Theo dõi đánh giá diễn biến tài nguyên rừng; Phân loại rừng và quy hoạch bảo vệ và phát triển theo từng loại rừng…

          * Sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ cán bộ khoa học

          Theo thời gian, Viện ngày càng hoàn thiện về cơ cấu tổ chức cũng như đội ngũ cán bô viên chức. Hiện nay, Viện trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, là một đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ 100% kinh phí. Cơ cấu tổ chức của Viện có 4 phòng chức năng và 9 đơn vị trực thuộc gồm 6 Phân viện, 2 Trung tâm và Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam. Các đơn vị trực thuộc được kiện toàn và ngày càng lớn mạnh, phân bố đều khắp theo các vùng miền của cả nước vừa đáp ứng được nhiệm vụ của Bộ và Tổng cục giao vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tư vấn cho các địa phương góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển ngành Lâm nghiệp. Tổng số CBCNV của Viện là 446 người, trong đó có 7 người có trình độ tiến sĩ; 49 người có trình độ thạc sĩ; 235 người có trình độ đại học; còn lại là nhân viên kỹ thuật.

          Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ của Nhà nước và Bộ giao phó và phát huy tích cực vai trò tư vấn phát triển ngành, Viện không ngừng học hỏi nâng cao năng lực hoạt động; duy trì, bảo quản và phát triển cơ sở vật chất và trang thiết bị; luôn chăm lo cải thiện đời sống Cán bộ viên chức và tích cực tham gia các phong trào ở các địa phương nơi đóng quân. Kết quả, trong suốt 20 năm liên tục gần đây Viện được công nhận là một tập thể đoàn kết nhất trí, tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, các tổ chức đoàn thể quần chúng vững mạnh toàn diện.   Với 50 năm kinh nghiệm và những đóng góp to lớn của Viện trong công tác ĐTQHR, Viện ĐTQHR được đánh giá là một trong những Viện hàng đầu trong lĩnh vực sản suất và nghiên cứu. Uy tín và ảnh hưởng của Viện đối với các Bộ, Ngành, các địa phương là rất lớn thông qua các hoạt động nghiên cứu triển khai và chuyển giao các kết quả cho thực tiễn sản xuất.

          Cùng với những kết quả nghiên cứu triển khai, Viện ĐTQHR đã có những đóng góp tích cực cho việc đào tạo nguồn nhân lực và Hợp tác quốc tế. Đồng thời, nhằm tăng cường tiềm lực Khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tiếp thu kịp thời những công nghệ mới để ứng dụng vào điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế, hiện nay Viện đã có mối quan hệ hợp tác với gần 30 nước và các tổ chức quốc tế.

          - Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, các vị khách quý.

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Viện đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng ba năm 1982; Huân chương Lao động hạng nhất năm 1991; Huân chương Độc lập hạng ba năm 1996; và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng; Cờ thi đua của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Viện ĐTQHR vinh dự được Chủ tịch nước nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì.

          Nhân dịp này, Viện ĐTQHR bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự quan tâm lớn lao của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo toàn diện và trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và PTNT, của Tổng cục Lâm nghiệp. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu và có hiệu quả của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương trong công tác xây dựng phát triển Viện. Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của cấp uỷ và chính quyền các địa phương trong cả nước đã giúp đỡ, phối hợp với Viện trong quá trình triển khai các hoạt động KHCN, phục vụ có hiệu quả và kịp thời cho sản xuất trong nhiều năm qua. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác mật thiết, quý giá và có hiệu quả trong nghiên cứu, đào tạo cán bộ khoa học giữa Viện và Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường CBQL Nông nghiệp và PTNT I, các Viện nghiên cứu khoa học trong và ngoài Ngành. Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự cộng tác chặt chẽ của nhiều đơn vị và các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế từ các nước trên thế giới cùng các tổ chức phi chính phủ khác.

          Chúng tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Bộ Lâm nghiệp (cũ) và những đóng góp to lớn của nhiều đồng chí lãnh đạo và cán bộ khoa học đầu ngành của Viện qua các thời kỳ cũng như sự nỗ lực vượt bậc, ý chí phấn đấu không mệt mỏi, không ngại gian khổ, khó khăn đi đến mọi miền của tổ quốc của tập thể CB-VC của Viện qua các thế hệ; trong đó không ít những người con ưu tú của Viện đã hy sinh trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ trong lúc đang làm nhiệm vụ để đạt được những thành tựu và  trưởng thành của Viện ĐTQHR ngày hôm nay

          - Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, các vị khách quý.

          Nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ đã qua, mỗi cán bộ, viên chức của Viện có thể tự hào về những thành tựu đạt được, song không quên rằng phía trước còn có nhiều cơ hội  và cả những thách thức mới đang chờ đợi chúng ta.

          Để hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn tới, chiến lược phát triển của Viện sẽ bám sát những mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước, cùng những nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn của Bộ Nông nghiệp và PTNT để tổ chức thực hiện có hiệu quả: Chiến lược phát triển Lâm nghiệp quốc gia đến năm 2020; Chương trình đổi mới công nghệ Quốc Gia; Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và VSMT nông thôn; Chương trình mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu; Đề án Tam nông; Chương trình Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2011-2015; Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Chương trình Điều tra theo dõi diến biến tài nguyên rừng và cây phân tán trên phạm vi toàn quốc do Chính phủ Hà Lan và FAO tài trợ. Đặc biệt, với cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực được đầu tư lớn hiện nay, Viện sẽ tích cực tham gia nhiều hơn và có hiệu quả hơn nữa trong Chiến lược bảo vệ, khai thác tiềm năng kinh tế rừng. Các thành quả trong công tác điều tra quy hạch rừng cũng như các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện phải nhanh chóng đưa vào thực tiễn sản xuất và đời sống, sớm phát huy hiệu quả nhằm góp phần đắc lực phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp nước nhà.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức Viện ĐTQHR xin hứa tiếp tục phấn đấu vươn lên, cải tiến sắp xếp tổ chức và đội ngũ cán bộ viên chức, nâng cao bản lĩnh và năng lực nghiên cứu khoa học, với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy tối đa tài năng của mỗi cá nhân và sự đồng tâm, nhất trí của mỗi tập thể, để nhanh chóng thích ứng với cơ chế mới, nâng cao vai trò trách nhiệm trong giai đoạn mới. Với chức năng, nhiệm vụ được Bộ trưởng giao cho, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm đúc kết được, tập thể cán bộ, viên chức Viện ĐTQHR tin tưởng sẽ vượt qua những thách thức trong giai đoạn cách mạng mới, tiếp tục phát huy và nâng cao năng lực, sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả khoa học, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần  xứng đáng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ

 

Print    Share    Tweet    Pin    Gmail
10/08/2015 10:24:09 AM - Lượt xem: 3168
  Bài viết khác

 Banner Tiện ích

  Thông tin - Thông báo

 Dữ liệu ngành

Videos clips
Nông nghiệp chuyển động: Để Luật Lâm ngh ...
Phóng Sự: Tái cơ cấu lâm nghiệp theo hướ ...
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách: bước ...

Thư viện ảnh
  Vẻ đẹp núi rừng
Sinh cảnh rừng Nam Bộ
Đào tạo, tập huấn
Ảnh vệ tinh SPOT5

 Liên kết - Đối tác

  Thống kê truy cập - Tổng số: 1,315,107 Lượt xem
Trực tuyến : 308 Hôm nay : 680
Tháng này: 18,857 Năm nay: 164,189

  Liên kết mạng xã hội

VIỆN ĐIỀU TRA QUY HOẠCH RỪNG
Địa chỉ: Vĩnh Quỳnh - Thanh Trì - Ha Nội - Việt Nam
Điện thoại: +84.04.8613858 - Fax: +84.04.8612881
Email: fipivn@hn.vnn.vn - Website: http://www.fipi.vn
Đơn vị xây dựng và phát triển: www.ntssvn.com